Hồi mới vô đại học, ai mà hỏi “Quê mày ở đâu?” thì tôi sẽ trả lời thế này:
– Có biết Đà Lạt không?
– À, thì ra là người Đà Lạt hả?
– Không, nhà tao ở Bảo Lộc, cách Đà Lạt khoảng 100km, cũng bằng từ Sài Gòn đi Vũng Tàu vậy đó! Khoảng 2 tiếng chạy xe.
Và có một vài người “ồ, à”, “tao biết Bảo Lộc nè”, nhưng đa số mọi người thì không. Bởi lẽ, nơi tôi sinh ra chỉ là một thị xã be bé, tùy bản đồ mà mới được in tên.
Tôi có con bạn, cũng là người Bảo Lộc, học chung đại học và chơi chung nhóm. Mỗi lần ai hỏi quê nó ở đâu, nó cũng trả lời y chang tôi. Một lần nọ hai đứa ngồi nói chuyện, nó nói thế này: “Mắc mệt mỗi lần ai hỏi là cứ phải nói Đà Lạt trước rồi mới tới Bảo Lộc”. Xong cả hai cười ha ha, quyết định từ này về sau phải PR cho quê hương mình nhiều hơn, ai không biết thì chỉ dẫn tận tình cho ra hình ra dáng!
Bảo Lộc là thị xã cách Đà Lạt 108km. Đi từ TP.HCM lên Đà Lạt sẽ đi ngang qua Bảo Lộc. Năm 2010, Bảo Lộc chính thức trở thành thành phố”.
Tôi thích nhìn tụi bạn kể về nơi chúng nó sinh ra và lớn lên, dù là nơi to hay nơi bé. Bởi lúc kể về thành phố là tụi nó cũng kể về con người mình. Tôi thích ánh mắt long lanh, tự hào, thích cái nhìn xa xăm đầy ắp kỉ niệm, thích giọng nói trong trẻo và hào sảng lúc kể về vùng đất tuổi thơ của tụi nó. Những tuổi thơ và tháng năm niên thiếu rồ dại, kí ức những lần hóa thân hoàng tử, công chúa hay ông quan tể tướng dẫn đầu một bầy lính đi đánh giặc mỗi trưa hè. Về những trò chơi “đặc sản” của tuổi thơ mỗi vùng miền nữa, kể cả kí ức thời áo trắng quần xanh ngô nghê, nằm ngủ im lìm nơi chôn rau cắt rốn…
Thế rồi bọn trẻ con lớn lên, mạnh dạn bước về những thị thành lớn để học tập và lập nghiệp. Học đại học 4 năm, tôi thấy Sài Gòn là một người ái nam ái nữ bởi những nét tính cách mâu thuẫn mà lại dung hòa tinh tế. Sài Gòn yêu cả đàn ông và đàn bà! Mấy ngõ hẻm của nó có thể vỗ về và ôm ấp biết bao con tim mềm yếu nơi đô thị. Nhưng cũng đầy đó những góc phố lãng mạn bóng nắng, hai hàng cây đổ dài duyên dáng như cô gái ngồi đếm lá bên thềm, đủ lãng mạn và nữ tính cho bất kì ai thèm khát cái nhẹ nhàng và chậm rãi.
Còn Đà Lạt, thành phố mà tôi hay gợi ý cho bạn bè mỗi lần kể về nơi tôi sinh ra, theo tôi lại là một người đàn bà đẹp, phảng phất nét quý tộc và đầy khiêu khích. Bà ta có sắc màu, có sương mờ bí ẩn, có hoa cỏ xanh đỏ tím vàng quanh năm. Bà ta ẩn giấu nhiều chuyện tình cả đẹp đẽ và giang dở sau lưng. Bà luôn hấp dẫn và mời gọi. Vì vậy mà biết bao bạn bè của tôi đều mong lên Đà Lạt thăm thú một lần cho biết.
Còn Bảo Lộc quê tôi, nơi nằm giữa Sài Gòn và Đà Lạt thì sao? Tôi cho rằng Bảo Lộc là một người đàn ông trầm tính và hiền lành. Ông ta cũng có nương đồi, có dốc núi, có cái lành lạnh sáng tối và mùa đông, có hoa và cây xanh, có thác và có rừng. Nhưng dốc núi của ông lại thoai thoải, nương đồi của ông cũng vậy. Ông không quá lạnh, cũng không quá nóng. Mọi thứ vừa phải và hiền từ. Ông ít nói, chỉ cười hiền lành mỗi khi ai đó đi ngang qua chào ông, rồi họ lại tiếp tục hành trình thăm Đà Lạt.
Tôi với con bạn của mình cũng từng thống nhất, nếu cho rằng Bảo Lộc là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời thì không bằng Đà Lạt được. Địa điểm vui chơi – du lịch ở Bảo Lộc rất ít, có mỗi cái thác Đam B’ri nằm cách xa trung tâm 17km là nổi tiếng nhất. Nhưng nhịp sống nơi đây chậm rãi, không nhiều chỗ đàn đúm vui chơi. Vì không phải là thành phố du lịch và kinh tế nên cũng ít xô bồ. Giới thiệu thì chả biết giới thiệu gì, nói thiệt! Nhưng bạn bè, đứa nào muốn ở chơi 1-2 ngày tránh nóng, rồi đi lòng vòng dạo mấy con đường thênh thang và để tụi tôi dẫn đi ăn như người địa phương thì cứ tới, trải nghiệm cũng hiền lành như chính thành phố vậy đó!
Mỗi lần về quê, tôi lại hay lấy xe đảo một vòng những con đường lớn. Điều thú vị là để đi hết khu trung tâm chỉ mất một tiếng thong thả cùng xe máy. Đợt này tôi về nhà sau lễ, bạn bè cũng đã đi Sài Gòn hết. Tôi lại xách xe ôn lại kỉ niệm xưa của mình. Đảo qua trường mầm non mình từng ỉa đùn, đảo qua nhà các cô giáo dạy thêm hồi tiểu học. Chạy xe lên đồi, chạy lại những con đường hồi ôn thi đại học, ngắm nhìn những thay đổi nhỏ nhặt của phố, tưởng tượng lại ngày tháng mà khu chợ chưa di dời. Rồi ghé nhà con bạn để trò chuyện với mẹ nó, nghe mẹ nó kể 4 năm qua nhanh như thế nào trong mắt một người mẹ có con đi học xa. Rồi tôi lại đảo quanh ăn vài ba món ăn vặt mà tôi thường ghé. Rồi lượn tới lượn lui khu đồ Si. Cứ thế, mỗi lần về, mỗi lần đảo xe lại càng thương cái nơi mình sinh ra. Buồn cười quá! Nó cứ hiền lành và từ tốn thế nào ấy.

Xanh thì cũng xanh, mát thì cũng mát, mà cứ trầm tính, cứ mặc chúng tôi ghé về rồi lại đi. Nó chẳng đón nhiều khách du lịch, cũng chẳng hát ca, nó cứ lịch sự và cười hiền ngại ngùng, im lặng mỗi khi tôi ngó ngàng tới.
Không biết bạn thì sao? Nhưng tôi hay tự hình dung cái tên Bảo Lộc trong đầu mình, tưởng tượng rồi phát âm thành chữ từng tiếng, tự nghe tới nghe lui, rồi lại buồn cười khi nghĩ rằng tới cái tên mà nghe cũng hiền lành…
Ấy vậy mà hồi xưa Bảo Lộc có cái tên nghe trai trẻ và sôi nổi núi rừng hơn nhiều – B’Lao. Chuyện là vầy, cái này tôi trích lại từ Wikipedia:
Trước đây, vùng đất Bảo Lộc bao gồm các huyện Bảo Lâm, Đà Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai – là toản tỉnh Đồng Nai bây giờ, là địa bàn cư trú của người Mạ. Năm 1899, thực dân Pháp đã đến vùng này, lập nên tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lị đặt tại Di Linh ngày nay. Đồng thời, Pháp cũng vạch ra một con đường nối liền tỉnh Bình Thuận. Năm 1905, cả vùng Đồng Nai Thượng được sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập, gồm có 3 quận là B’Lao (Bảo Lộc), Djiring (Di Linh), Dran – Fyan (Đơn Dương), diện tích bao gồm cả cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Viên.
Năm 1958, chính phủ Việt Nam Công Hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, tách quận Dran sáp nhập vào tỉnh Lâm Viên, đặt thành tỉnh Tuyên Đức. Lúc này, Lâm Đồng chỉ gồm 2 quận là B’Lao và Drijing, tức toàn bộ vùng đất nằm trên cao nguyên Di Linh và Bảo Lộc bây giờ.
Cuối năm 1958, B’Lao được đổi tên thành Bảo Lộc, được chọn làm tỉnh lị của tỉnh Lâm Đồng bấy giờ. Công việc kiến thiết, mở mang đô thị bắt đầu từ lúc này.
Sau giải phóng, Bảo Lộc là tên huyện của tỉnh Lâm Đồng hợp nhất, gồm có huyện Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Huyện Bảo Lộc lúc đó có 1 thị trấn B’lao và 15 xã.
Năm 1994 khi tôi ra đời, huyện Bảo Lộc được chia thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Năm 2009, thị xã được công nhận là đô thị loại ba và tới 2010 thì chính thức trở thành thành phố.
Nhưng mãi đến năm 2012 mới có cái siêu thị đầu tiên. Từ khi Bảo Lộc lên thành phố là lúc tôi bước vào thời phổ thông, nhiều chính sách đầu tư và phát triển, quy hoạch cũng diễn ra mạnh nên tôi có nhiều kỉ niệm trai trẻ với quê tôi lắm.
Nói gì thì nói, tôi vẫn thích cái tên B’Lao hơn. Những người già tại đây, ai cũng nhớ hoài cái tên ấy, trong mỗi người là một kí ức hậu chiến tranh và kinh tế mới với cái tên B’Lao hiền hòa. Ở Bảo Lộc, hiện tại có rất nhiều người Huế và người Bắc định cư từ giai đoạn làm kinh tế mới.
Nơi đây nổi tiếng với trà. Chắc bạn đã từng nghe trà B’Lao? Nếu chưa thì giờ bạn biết rồi đó!
B’Lao hiền hòa vậy đó, hiền như ông nội tôi lúc còn sống. Sáng sáng ông ngủ dậy, làm một ly trà sáng rồi lại chạy xe đi đánh tennis đến trưa. Ông về, ăn một ổ bánh mì chấm sữa rồi đi tắm. Ông sẽ xem ti vi cho đến giờ ăn trưa. Sau giấc trưa thì ông xem ti vi tiếp. Hoặc nếu bà nội la ó vì tiền điện quá nhiều thì ông sẽ tắt. Ông ra sau nhà cầm cọ và sơn, tiếp tục vẽ những bức tĩnh vật và phong cảnh mà ông tưởng tượng. Rồi chiều chiều thì vác chiếc ghế nhựa ra trước nhà ngồi ngắm xe qua lại. Hồi tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần ông đứng dậy đi ăn chiều thì lại quên cất ghế, tôi cứ lẽo đẽo kéo chiếc ghế nhựa đặt vào chỗ cũ. Cả ngày dài, ông tôi làm bạn với 4 ly nước trà loãng! Vậy đó! Tôi chả biết diễn tả cái hiền hòa làm sao, mà tôi lại dùng hình ảnh ông nội mình cho cái trầm lặng, tĩnh tại đó để nói về B’Lao, về Bảo Lộc của mình.
Ừ, vậy nên giờ ai hỏi quê tôi ở đâu, thì tôi nói tôi là người Bảo Lộc. Nếu bạn không biết, thì tôi mới nói nó nằm cách Đà Lạt khoảng trăm cây
Cuối cùng, có hai câu chuyện vui vui bé bé khi tôi nói mình là người Bảo Lộc:
1. – Trời, cũng đoán đoán rồi. Nghe giọng là biết. Tại tui chơi với nhiều bạn Bảo Lộc nè, có cái giọng đặc trưng lắm. Giọng Nam không rõ mà giọng Bắc cũng không đặc. Giọng pha pha!
2. – Chị ơi, người Bảo Lộc ai cũng lịch sự dễ thường mà hiền hiền sao á chị!
Vậy đó, Bảo Lộc là người đàn ông hiền lành và trầm tính.